Diễn biến Cuộc_tấn_công_Ba_Lan_(1939)

Giai đoạn 1: Đức tấn công Ba Lan

Thị trấn Wieluń sau khi bị không quân Đức Luftwaffe oanh tạc ngày 1 tháng 9 1939Pháo chống tăng của Ba Lan năm 1939

Ngày 31 tháng 8 1939, 1 cánh quân Đức mặc sắc phục Ba Lan đã tập kích vào 1 thị trấn của Đức nằm sát biên giới Đức-Ba Lan, chiếm lĩnh đài phát thanh của thị trấn này và dùng tiếng Ba Lan để loan báo "Thời điểm thanh toán người Đức đã đến". Hitler ngay lập tức lấy cớ nước Đức bị tấn công đã phát động cuộc tấn công vào Ba Lan vào lúc 4:45 phút sáng ngày 1 tháng 9. Trước đó 5 phút, vào lúc 4:40, không quân Đức Luftwaffe đã tấn công 1 thị trấn Ba Lan tại Wieluń, làm 1.200 người chết, chủ yếu là dân thường. Trên Biển Bắc, thiết giáp hạm SMS Schleswig-Holstein của Đức đã nổ súng tấn công 1 kho hàng quân sự tại Westerplatte thuộc Danzig. 8:00, bộ binh Đức mở màn tấn công vào thị trấn Mokra. Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến, người Đức đã huy động 56 sư đoàn, 2.500 xe tăng và 2.300 máy bay chiến đấu tiến theo 3 đường vào Ba Lan từ biên phía bắc, phía đông và phía tây và mục tiêu của cả ba hướng tấn công này đều là thủ đô Warsaw của Ba Lan. Các cuộc chiến đấu ở biên giới bắt đầu diễn ra. Trong khi đó, không quân Đức ra sức oanh tạc phá hủy các cơ sở hạ tầng, trục đường giao thông, trung tâm chỉ huy và nhất là các phi trường Ba Lan.

Ngày 3 tháng 9, theo tinh thần của hiệp ước liên minh tương trợ Anh-Ba Lan ký vào ngày 25 tháng 8, Anh tuyên chiến với Đức. Trong ngày này, các nước thuộc liên hiệp Anh hay các thuộc địa của Anh như Ấn Độ, Australia, New Zealand rồi sau đó là Nam PhiCanada cũng tuyên chiến với Đức. Còn Pháp cũng theo tinh thần của liên minh tương trợ ký ngày 10 tháng 5 chính thức tuyên chiến với Đức. Tuy nhiên, Anh và Pháp vẫn tiếp tục chính sách thỏa thiệp, nhân nhượng với Đức nên đã "tuyên" mà không chiến. Liên quân Anh-Pháp chỉ tập trung dàn quân tại biên giới Pháp-Đức mà không hề tấn công Đức để chi viện cho Ba Lan trong khi phần lớn quân lực của Đức đã tập trung tại Ba Lan.

Thiết giáp hạm Schleswig-Holstein của Đức bắn phá Gdynia vào ngày 13 tháng 9

Tại tuyến phía Tây, quân Anh, Pháp có ưu thế tuyệt đối, nhưng họ lại án binh bất động. Ngày 12 tháng 9, Hội đồng chiến tranh Tối cao Anh-Pháp họp lần đầu tại Abbeville, Pháp và ra lệnh tất cả các cuộc tấn công phải bị đình lại ngay lập tức. Trong thời gian này người Pháp đã tiến sâu 8 cây số vào lãnh thổ Đức trên một mặt trận rộng 24 cây số bao phủ vùng Saar. Maurice Gamelin ra lệnh cho quân Pháp dừng lại ở các vị trí cách phòng tuyến Siegfried của Đức ít nhất 1 km. Pháo binh quân Anh, Pháp ở bên này sông Rhine vẫn im lặng nhìn những đoàn xe quân Đức vận chuyển vũ khí qua lại ở bên kia sông. Tại các trại đóng quân, binh sĩ Anh, Pháp còn có các hoạt động giải trí để giết thời gian. Thủ tướng Pháp thậm chí còn phát cho binh lính...một vạn quả bóng để chơi.

Do Anh-Pháp ngừng tấn công nên quân Đức không rút bớt quân từ Ba Lan sang phía Tây. Tuy nhiên, phía Pháp lại dối trá nói với Nguyên soái Ba Lan Edward Rydz-Śmigły rằng một nửa số quân Pháp đã chạm trán với quân Đức và đã buộc phát xít Đức rút ít nhất 6 sư đoàn khỏi Ba Lan. Ngày hôm sau đại diện của quân đội Pháp tại Ba Lan là Louis Faury báo với Tổng tham mưu trưởng Ba Lan, tướng Wacław Stachiewicz rằng kế hoạch tấn công Đức bị dời lại từ ngày 17 sang ngày 20 tháng 9 năm 1939. Cùng lúc đó, quân Pháp bắt đầu rút về các vị trí ban đầu của họ tại phòng tuyến Maginot. Hành động này của Anh-Pháp cũng góp phần phá vỡ luôn kế hoạch phòng thủ mà chính phủ Ba Lan đã vạch ra trước đó.

Mặt khác, quân đội Ba Lan cũng phạm phải những sai lầm chiến lược nghiêm trọng. Vẫn duy trì học thuyết quân sự từ Thế chiến thứ nhất, quân đội Ba Lan phân tán các đơn vị của họ ra khắp các vùng lãnh thổ, với dự định là sẽ dùng chiến tranh chiến hào để phòng ngự, tiêu hao quân Đức. Thực tế cho thấy đây là cách bố trí sai lầm tai hại, các đơn vị Ba Lan phân tán đã không thể phòng ngự hiệu quả trước các mũi tấn công cơ động của quân thiết giáp Đức, liên tiếp các sư đoàn Ba Lan bị bao vây, cắt rời khỏi hậu phương rồi bị tiêu diệt nhanh chóng.

Tình hình chiến sự cho đến ngày 14 tháng 9 1939.

Nhờ ưu thế vượt trội về quân lực, vũ khí và phương tiện kỹ thuật nên quân đội Đức đã dễ dàng chọc thủng phòng tuyến biên giới Ba Lan ở nhiều nơi, buộc quân đội Ba Lan phải bỏ biên giới rút về WarsawLwów. Trong trận rừng Tucholskich, quân Đức đã thể hiện trình độ tác chiến vượt trội so với quân Ba Lan: chỉ sau 5 ngày chiến đấu, thiết giáp Đức đã đánh quỵ 2 sư đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn kỵ binh Ba Lan, tiêu diệt khoảng 10.000 quân Ba Lan trong khi Đức chỉ thương vong 850 người, đồng thời chọc thủng tuyến Hành lang Ba Lan và nối liền Đông Phổ với lãnh thổ Đức.[41][42][43]

Không quân Đức Luftwaffe cũng hoàn toàn nắm quyền kiểm soát bầu trời chỉ sau vài ngày giao chiến. Các trục đường giao thông và cơ sở hạ tầng của Ba Lan bị tàn phá nặng nề, rất nhiều máy bay bị phá hủy ngay tại phi trường. Không quân Ba Lan vừa bị thiệt hại nặng lại thiếu nguồn tiếp tế xăng dầu trầm trọng, 98 chiếc máy bay của họ đã trốn sang România. Với 400 máy bay ở đầu cuộc chiến, Ba Lan chỉ còn 54 chiếc vào ngày 14 tháng 9.[44]

Ngày 3 tháng 9, tướng Günther von Kluge đã tiến đến sông Vistula (cách biên giới 10 km), Georg von Küchler tiến sát sông Narew và tập đoàn quân thiết giáp của Walther von Reichenau đã vượt sông Warta. Hai ngày sau, cánh trái của quân Đức đã tiến đến Łódź và cánh phải tiến đến Kielce. Ngày 8 tháng 9, các quân đoàn thiết giáp đã tiến đến ngoại ô Warsaw. Như vậy chỉ trong 1 tuần đầu của cuộc chiến, quân Đức đã tiến được 225 km. Sau đó, 1 lực lượng thiết giáp nhẹ của Reichenau tiếp tục tiến đến khu vực nằm giữa Warsaw và thị trấn Sandomierz ngày 9 tháng 9 trong khi tướng List ở phía nam đã vượt qua sông San và chuẩn bị đến Przemyśl. Cũng thời điểm đó, Guredian đưa tập đoàn quân thiết giáp số 3 vượt sông Narew, tấn công các phòng tuyến Ba Lan tại sông Bug, chuẩn bị bao vây Warsaw.

Pháo phòng không Bofors 40 mm của Ba Lan bị vứt bỏ lại trong trận Bzura

Trước sức tấn công vũ bão của Đức, quân đội Ba Lan buộc phải rút lui liên tục và bỏ PomeraniaSilesia lại cho người Đức. Kế hoạch phòng thủ của Ba Lan hoàn toàn bị phá sản. Ngày 10 tháng 9, thống chế Ba Lan Edward Rydz-Śmigły ra lệnh cho quân đội rút về đông nam, tiến về đầu cầu Romania. Quân Đức ngày càng xiết chặt vòng vây quanh quân đội Ba Lan tại phía tây sông Vistula (quanh khu vực Łódź và xa hơn nữa về phía tây, quanh Poznań).

Trước đó, ngày 9 tháng 9, lần đầu tiên kể từ khi chiến sự bắt đầu, Warsaw bị bắn phá và vào ngày 13 tháng 9, thành phố này bắt đầu bị vây hãm (Xem Cuộc vây hãm Warsaw (1939)). Ngày 24 tháng 9, 1150 máy bay Đức oanh tạc Warsaw. Trong thời gian đó, quân Đức cũng đã tiến đến Lwów, thành phố chính tại miền đông Ba Lan.

Bộ binh Ba Lan trong Trận Bzura

Trận đánh lớn nhất của cuộc chiến, trận Bzura đã diễn ra tại địa điểm gần sông Bzura phía bắc Warsaw. Trận đánh này kéo dài từ ngày 9 tháng 9 đến ngày 19 tháng 9. Các tập đoàn quân Ba Lan sau khi rút lui từ biên giới đã tấn công vào tập đoàn quân 8 của Đức do tướng Johannes Blaskowitz chỉ huy đang trên đà tiến vào lãnh thổ Ba Lan. Cuộc tấn công này của Ba Lan thu được thắng lợi ban đầu nhưng sau đó đã thất bại. Sức mạnh của không quân Đức chính là yếu tố quyết định cho trận đánh này.[45] Không quân Đức nhanh chóng phá hủy cây cầu bắc ngang sông Bzura. Sau đó, quân Ba Lan đã rơi vào cái bẫy người Đức đã giăng sẵn khi bị các máy bay Stukas chở những quả bom nhẹ 50 kg tấn công gây thương vong rất lớn. Một số đơn vị bỏ chạy vào rừng thì bị những chiếc Heinkel He 111Dornier Do 17 tấn công bằng bom cháy. Những người sống sót sau các đợt không kích trên đều dễ dàng bị quân Đức bắt sống hoặc tiêu diệt. Ước tính trong trận này những chiếc Stuka đã thả xuống chiến trường 388 tấn bom.[45]

Sau 10 ngày chiến đấu, 225.000 quân Ba Lan trong trận Bzura đã bị tiêu diệt gần hết: 20.000 tử trận, 32.000 bị thương và 170.000 bị bắt. Phía Đức chỉ bị tổn thất khoảng 8.000 chết và khoảng 15.000 bị thương. Trận Bzura một lần nữa cho thấy chiến thuật tác chiến vượt trội của Đức so với Ba Lan.

Thủ đô Warsaw cố gắng kháng cự lại cuộc vây hãm của Đức cho đến ngày 28 tháng 9. Pháo đài Modlin phía bắc Warsaw bị chiếm ngày 29 tháng 9 sau 16 ngày chiến đấu ác liệt. Nhiều đơn vị đồn trú đã giữ được vị trí trong một thời gian dài bị quân Đức bao vây, cô lập như Westerplatte, Oksywie hay Hel, quân bảo vệ thành phố không chịu đầu hàng quân Đức, nên cơn thịnh nộ của cỗ máy chiến tranh Đức đổ hết vào đó, xe tăng và bộ binh Đức có sự hỗ trợ của các phi đội Stuka đập tan từng ổ kháng cự của Ba Lan trên các con đường.

Chính phủ Ba Lan (đứng đầu là tổng thống Ignacy Mościcki) và bộ chỉ huy quân sự tối cao (đứng đầu là thống chế Edward Rydz-Śmigły) đã rời bỏ thủ đô Warsaw ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến và chạy về phía đông nam. Quân đội Ba Lan cũng được lệnh rút lui theo cùng hướng đó, về phía sau sông Vistulasông San, chuẩn bị cho việc chạy sang România.

Giai đoạn 2: Liên Xô tấn công Ba Lan

Bộ binh Liên Xô tiến vào Ba Lan 17/9/1939.

Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh, Đức đã liên tục đề nghị Joseph StalinVyacheslav Molotov tấn công Ba Lan như đã hẹn ước trước.[46] Lo ngại trước đà tấn công chớp nhoáng của Đức, và muốn giành lại những lãnh thổ đã mất vào tay Ba Lan vào năm 1921, ngày 17 tháng 9 năm 1939, Hồng Quân Liên Xô từ phía đông tiến từ phía đông Ba Lan. Đức và Liên Xô thỏa thuận là Liên Xô sẽ từ bỏ tham vọng trên vùng đất từ biên giới mới tới Warsaw, và để đổi lại, Litva sẽ phải nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Liên Xô không phản đối hành động quân sự của Đức, và ngoại trưởng Liên Xô Molotov tuyên bố lên án "lời tuyên chiến giả tạo" của Anh-Pháp sau khi Ba Lan đã bị đánh bại:

Nước Đức, với 80 triệu dân, đã chinh phục một số quốc gia láng giềng bằng uy thế tuyệt đối của mình và bằng sức mạnh quân sự, và như vậy đã trở thành một đối thủ đáng gờm cho các đế quốc chính ở châu Âu là Anh và Pháp. Đó là lý do vì sao họ tuyên chiến với Đức với cái cớ là thi hành các nghĩa vụ của họ với Ba Lan. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, mục tiêu của các quốc gia trên rõ ràng là hoàn toàn khác xa với việc bảo vệ Ba Lan hay Tiệp Khắc[47]

"Kỷ niệm công cuộc Giải phóng những người anh em ở Tây Ucraina và Tây Belorussia, ngày 17/9/1939" Tem thư Liên Xô năm 1940

Ngày 17 tháng 9 năm 1939, sau khi Chính phủ Ba Lan đã bỏ chạy ra nước ngoài, Molotov đã tuyên bố trên đài phát thanh rằng tất cả các hiệp ước ký giữa Liên Xô và Ba Lan bây giờ đã vô hiệu do chính phủ Ba Lan đã tháo chạy và bỏ rơi nhân dân của mình, và trên thực tế đã không tồn tại[g]. Đồng thời, Liên Xô có nghĩa vụ đem quân bảo vệ những người dân Ucraina và Belarus, những công dân hợp pháp của Liên Xô nhưng đang phải sống sự chiếm đóng của Ba Lan[48]

Ngày 17 tháng 9 năm 1939, sức kháng cự của Ba Lan bị quân Đức bẻ gãy, hy vọng cuối cùng của Ba Lan là rút lui và tái tập hợp dọc theo đầu cầu Romania. Tuy nhiên, kế hoạch này trở nên lỗi thời chỉ trong một đêm, khi hơn 800 ngàn quân Liên Xô tiến công với hai Phương diện quân Belarussia và Ukrainia, đánh vào khu vực Kresy ở phía đông Ba Lan[46]. Về mặt ngoại giao, Liên Xô tuyên bố họ hành động là để bảo vệ người Ukraina và Belarusia sống ở miền đông Ba Lan trước bối cảnh thất bại của Ba Lan đã rõ ràng. Một lý do thực dụng hơn là những vùng đất phía Đông này vốn do Ba Lan chiếm của Nga trong Chiến tranh Nga-Ba Lan (1919-1921), Liên Xô muốn nhân cơ hội Ba Lan sắp bị Đức đánh bại để thu hồi lại những vùng đất này mà không cần phải đổ nhiều máu.

Lực lượng biên phòng Ba Lan bao gồm khoảng 25 tiểu đoàn được lệnh tránh giao tranh trực tiếp với Hồng quân và từ từ rút về biên giới Ba Lan-România. Tuy nhiên tại một số nơi đã diễn ra những trận đánh nhỏ như trận Grodno diễn ra từ ngày 21 tháng 9 đến 24 tháng 9, nơi một số nhóm binh sĩ Ba Lan tìm cách chặn đánh quân Liên Xô. Nhiều lính Ba Lan, gồm cả tù binh chiến tranh bị quân Liên Xô xử bắn, trong đó có tướng Józef Olszyna-Wilczyński[49][50]. Ngoài ra, lợi dụng lúc Liên Xô tiến vào, Tổ chức những người dân tộc chủ nghĩa Ukraina đã nổi dậy để hưởng ứng quân đội Liên Xô và truy sát người Ba Lan. Các hoạt động này nhanh chóng được lực lượng NKVD (cảnh sát Bộ nội vụ Liên Xô) dập tắt.

Cuộc tiến công của Liên Xô là nhân tố quyết định khiến chính phủ Ba Lan hiểu rằng cuộc chiến đã ngã ngũ[10][10] Tuy nhiên chính phủ Ba Lan từ chối đầu hàng, thay vào đó ra lệnh tất cả các đơn vị quân đội di tản khỏi Ba Lan và tập hợp lại tại Pháp[10] Từ ngày 17 tháng 9 đến ngày 20 tháng 9, quân đội Ba Lan lại một lần nữa thảm bại trong trận Tomaszów Lubelski trước quân Đức, trận đánh có quy mô lớn thứ hai trong cuộc chiến, sau trận Bzura[51]. Ngày 22 tháng 9, thành phố Lwów bị Liên Xô chiếm (thành phố này đã bị quân Đức tấn công từ tuần trước nhưng sau đó Đức đã nhường lại cho Liên Xô).[52][53] Trong tuần cuối cùng của tháng 9, Hitler đã có 1 bài diễn văn tại thành phố Danzig: "Ba Lan sẽ không bao giờ gượng dậy nổi như sau hòa ước Versailles. Điều này được đảm bảo chắc chắn không chỉ bởi Đức, mà còn bởi Nga".[54]

Mặc dù quân Ba Lan giành được thắng lợi trong trận đánh nhỏ Szack, ngày 28 tháng 9, Hồng quân Liên Xô đã tiến đến vùng ranh giới là sông Narew, Vistula và San, sau khi tiêu diệt các sĩ quan và hạ sĩ quan Ba Lan trong trận đánh này, và gặp quân Đức tiến theo hướng ngược lại tại nhiều nơi. Một số vị trí của quân đội Ba Lan phòng thủ tại thung lũng Hel trên bờ biển Baltic đã kiên cường kháng cự lại quân Đức đến ngày 2 tháng 10. Cuối cùng vào ngày 6 tháng 10, tướng Ba Lan Franciszek Kleeberg đầu hàng sau trận Kock diễn ra suốt 4 ngày tại Lublin, giữa Đức và Ba Lan. Đến đây thì cuộc tấn công của Đức Quốc xã và Liên Xô vào Ba Lan chính thức kết thúc sau hơn một tháng giao tranh.

Tem thư năm 1999 do Belarus phát hành, kỷ niệm 60 năm ngày Hồng quân giải phóng Tây Belarus và thống nhất nước này

Chính quyền Liên Xô tuyên bố hành động mình là để bảo vệ người UkrainaBelarus (những dân tộc Đông Slav có quan hệ gần gũi với người Nga và xem người Ba Lan là kẻ chiếm đóng) sống ở phía đông của Ba Lan[46][55] Trên thực tế, những người dân UkrainaBelarus đã hoan nghênh Hồng quân vì họ và dân tộc Nga có quan hệ gần gũi (nhóm chủng tộc đông Slav) và cùng thuộc về Đế quốc Nga trước kia. Nhìn chung, trong chiến dịch Ba Lan, Liên Xô ít gặp chống cự vì người gốc Ukraina và Belarus chiếm đa số tại đây, họ coi Hồng quân là người giải phóng đã giúp họ rửa mối thù bị Ba Lan chiếm đóng để trở về với "Đất mẹ Nga". Cuộc tấn công của Liên Xô, mà nhân dân Liên Xô, Ukraina và Belarus gọi là "chiến dịch giải phóng Tây Belarus và Tây Ukraina", đã dẫn đến việc tái hợp nhất hàng triệu người Ukraina và Belarusia cũng như người gốc Ba Lan vào các nước cộng hòa UkrainaByelorussia.[56]

Trong cuộc tấn công, nhiều người Ukraina, Belarus và người Do Thái đã chào đón Hồng quân như người giải phóng Những người cộng sản địa phương tập hợp mọi người chào đón binh sĩ Hồng quân theo cách truyền thống của Nga bằng cách tặng bánh mì và muối trong các vùng ngoại ô phía đông của Brest. Một loại vòm khải hoàn được làm bằng hai cọc, được trang hoàng với cành lá và hoa vân sam. Một biểu ngữ, một dải khăn dài màu đỏ với một khẩu hiệu bằng tiếng Nga, nội dung tôn vinh Liên Xô và chào đón Hồng quân, được treo trên vòm.[57] Phản ứng của địa phương đã được đề cập bởi Lev Mekhlis, người đã nói với Stalin rằng người dân Tây Ukraine đã thực sự chào đón Hồng quân Liên Xô như người giải phóng. Hưởng ứng theo cuộc tấn công của Liên Xô, các Tổ chức dân quân Ukraine nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của người Ba Lan, và các đảng cộng sản địa phương đã tổ chức các cuộc nổi dậy lật đổ bộ máy chính trị của Ba Lan, chẳng hạn như ở Skidel.

Nhờ thái độ ít kháng cự của quân đội Ba Lan cũng như nhận được sự hỗ trợ của dân địa phương, tổn thất của Hồng quân trong chiến dịch tương đối nhỏ: chỉ khoảng 737 lính Hồng quân bị chết hoặc mất tích trong toàn chiến dịch, trong khi có tới 250.000 lính Ba Lan chấp nhận ra hàng.

Trong và sau chiến tranh thế giới thứ 2, phương Tây ít nói về cuộc tấn công của Liên Xô vào Ba Lan, phần vì họ coi việc Liên Xô thu hồi lại lãnh thổ là việc chính đáng, phần vì họ không muốn nhắc lại việc Anh-Pháp đã bỏ mặc không giúp đỡ đồng minh Ba Lan. Sau cuộc họp ngày 18 Tháng 9 năm 1939, tức là một ngày sau khi Liên Xô tấn công Ba Lan, Chính phủ Anh đã quyết định sẽ không phản đối hành động quân sự của Liên Xô. Ngày 01 tháng 10 năm 1939, Thủ tướng Anh Winston Churchill, qua các đài phát thanh Anh đã phát biểu[58]:

"... Việc quân đội Nga đứng chân tại vùng này (chỉ cuộc tấn công) là cần thiết cho sự an toàn của Nga chống lại các mối đe dọa của Đức Quốc xã. Ở mức độ nào đó, một mặt trận phía Đông đã được tạo ra và phát xít Đức đã không dám tấn công. Khi Herr von Ribbentrop được cử đến Moscow vào tuần trước đó để tìm hiểu thực tế, ông ta đã chấp nhận sự thật, rằng ý đồ của Đức Quốc xã nhằm vào các nước vùng Baltic và Ucraina đã phải đi đến điểm dừng."

Tuy nhiên, kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh cho tới nay, cuộc tấn công của Liên Xô được phương Tây liên tục nhắc tới như một phương cách tuyên truyền làm chia rẽ khối Đông Âu và kích thích tâm lý bài Nga. Ngày nay, quan điểm của phương Tây và Ba Lan coi cuộc tấn công của Liên Xô là sự xâm chiếm. Về vấn đề này, giáo sư Michael Jabara Carley của Đại học Montreal (Canada) cho rằng: “Trong khi kết tội phía Liên Xô đưa quân vào "lãnh thổ của Ba Lan", một số sử gia phương Tây bắt đầu mắc chứng “mất trí nhớ”, và quên rằng chính các lãnh thổ này - Tây UkraineTây Belarus - đã bị Ba Lan chiếm của Nga trong cuộc Chiến tranh Nga-Ba Lan từ năm 1919-1921. Cuộc chiến này do Ba Lan đơn phương phát động để chống lại nước Nga Xô viết - lúc đó đã tan hoang vì nội chiến”. Trước đó Ba Lan đã ký một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với Đức Quốc xã vào ngày 26/1/1934, và khi Đức xâm lược Tiệp Khắc năm 1938, Ba Lan cũng đã đem quân chiếm vùng Teschen (một vùng đất có rất đông người gốc Ba Lan sinh sống) của Tiệp Khắc vì không muốn vùng đất này bị Đức chiếm mất [24]. Carley cho rằng phương Tây ngày nay thường lờ đi những hành động này của Ba Lan mà chỉ tập trung vào quan hệ giữa Đức và Liên Xô[33].

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cuộc_tấn_công_Ba_Lan_(1939) http://www.vb.by/article.php?topic=36&article=1420... http://www.warmuseum.ca/cwm/newspapers/operations/... http://www.britannica.com/eb/article-5721 http://www.feldgrau.com/stats.html http://books.google.com/books?id=c9uvdT3GRLoC&pg=P... http://books.google.com/books?vid=ISBN0801864933&i... http://books.google.com/books?visbn=0714647837&id=... http://www.historychannel.com/speeches/archive/spe... http://www.historychannel.com/speeches/archive/spe... http://niehorster.orbat.com/011_germany/__ge_index...